CHIẾN LƯỢC LÀ GÌ VÀ CÁC KHÁI NIỆM "VỆ TINH"
Chiến lược là gì?
Chiến lược là gì? Bắt nguồn từ tiếng Anh là Strategy, có gốc từ tiếng Hy Lạp “strategos”, còn được định nghĩa là “nghệ thuật của một vị tướng”. Trong đó, từ stratos (gốc là strate - lan rộng) có nghĩa là quân đội, -agos có nghĩa là lãnh đạo. Như vậy, nghĩa đen của từ chiến lược là để chỉ những kế hoạch hành động tác chiến trong quân đội. Sau này, nghĩa của từ chiến lược được mở rộng ra là những kế sách để hoàn thành một mục tiêu mang tính lâu dài.
Vậy trên thương trường, chúng ta hiểu như thế nào về chiến lược? Chiến lược là kế hoạch hành động để đạt được mục đích hoặc trạng thái doanh nghiệp mong muốn trong tương lai với thời hạn nhất định, thường kéo dài từ một đến năm năm và có thể chia thành từng giai đoạn cụ thể.
Chiến lược có thể phân chia theo từng lĩnh vực khác nhau như chiến lược kinh doanh là gì, chiến lược thương hiệu, chiến lược marketing… Đây là những khái niệm mà chúng ta đã nghe đến rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cốt yếu hơn, chiến lược được phân chia thành các cấp, bao gồm: cấp công ty, cấp đơn vị kinh doanh và cấp chức năng.
Không phải ngẫu nhiên mà thương trường được ví như chiến trường. Những biến đổi của thời cuộc, sự cạnh tranh gắt gao và phát triển không ngừng của đối thủ luôn siết chặt doanh nghiệp. Trước thực tế đó, nếu doanh nghiệp không sẵn sàng và có chiến lược riêng để “lâm trận” thì chiến thắng chỉ là một điều gì đó xa vời.
“Chiến lược là kế hoạch hành động để đạt được mục đích hoặc trạng thái doanh nghiệp mong muốn trong tương lai với thời hạn nhất định.”
Ba cấp độ chiến lược là gì?
Như tên gọi, cấp chiến lược công ty (hay chiến lược doanh nghiệp) là những chiến lược có phạm vi trên toàn bộ doanh nghiệp, nhằm xác định ngành mà doanh nghiệp tham gia cạnh tranh và quản lý ngành để tăng cường vị trí tổng thể của doanh nghiệp.
Dưới cấp chiến lược công ty, chúng ta có chiến lược cấp đơn vị kinh doanh là kế hoạch hay lộ trình giúp doanh nghiệp cung cấp giá trị cho khách hàng và củng cố lợi thế cạnh tranh bằng những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Và cuối cùng, chiến lược cấp chức năng là những chiến lược tập trung vào một chức năng cụ thể trong doanh nghiệp. Những khái niệm quen thuộc như chiến lược marketing, chiến lược nhân sự, chiến lược thương hiệu… chính là những chiến lược chức năng.
Ba cấp của chiến lược giống như hình tam giác với đỉnh là chiến lược cấp công ty, tầng thứ hai là chiến lược cấp đơn vị kinh doanh và đáy là chiến lược chức năng. Chiến lược cấp kinh doanh và chức năng bên dưới có thể linh hoạt và đa dạng nhưng không thể nằm ngoài mục đích phục vụ cho chiến lược cấp công ty. Nếu không, chiến lược sẽ bị phân tán và mục đích doanh nghiệp hướng đến sẽ không thể đạt được.
Khi tìm hiểu chiến lược là gì, chúng ta sẽ bắt gặp thêm những khái niệm quan trọng khác liên quan đến chiến lược là hoạch định chiến lược, thực thi chiến lược và quản trị chiến lược. Hiểu một cách khái quát, đây chính là ba phần quan trọng để giúp doanh nghiệp hiện thực hóa chiến lược.
Tuy nhiên, trong bài viết này chúng ta sẽ chưa vội đi sâu nghiên cứu từng phần, mà chỉ dừng lại ở việc hiểu những khái niệm và nhiệm vụ tổng quát của chúng để có được bức tranh khái quát về chiến lược.
“Ba cấp của chiến lược giống như hình tam giác với đỉnh là chiến lược cấp công ty, tầng thứ hai là chiến lược cấp đơn vị kinh doanh và đáy là chiến lược chức năng.”
Các bước lập kế hoạch chiến lược là gì?
1/ Hoạch định chiến lược
Hoạch định chiến lược là quá trình xác định mục tiêu chiến lược là gì và phân tích tình hình thực tế của thị trường cũng như của doanh nghiệp để lên những kế hoạch hành động cụ thể hướng đến mục tiêu. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải hiểu rõ tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của mình, đồng thời có sự đánh giá sắc sảo về môi trường cạnh tranh hiện tại để tìm ra mục tiêu chiến lược.
Sau khi đã có bước đánh giá ban đầu, doanh nghiệp cần đi vào phân tích tình hình thực tế của doanh nghiệp để tìm ra lợi thế cạnh tranh, từ đó xác định phạm vi cạnh tranh với năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Đây cũng là bước tìm ra cơ hội và nguy cơ mà doanh nghiệp sẽ phải đối diện.
Khi đã xác định mục tiêu chiến lược và phân tích thực trạng, doanh nghiệp mới bắt đầu xây dựng những mục tiêu dài hạn phù hợp hướng đến mục tiêu chiến lược. Chiến lược lúc này mới “thành hình” bằng những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và có thể đo lường. Khi hoạch định chiến lược, các doanh nghiệp có thể kết hợp với các công cụ khác để xây dựng mục tiêu phù hợp, nhất quán với chiến lược mong muốn. Doanh nghiệp nên tham khảo ngay các công cụ hoạch định chiến lược là gì để có lựa chọn thích hợp trước khi đi đến các bước tiếp theo.
Ngoài ra, trong quá trình hoạch định chiến lược, rất nhiều doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa mục tiêu chiến lược và tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp. Vì lý do này nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn mục tiêu chiến lược rất mơ hồ.
Để phân biệt mục tiêu chiến lược với tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp, chúng ta phải nhớ rõ đặc điểm này. Mục tiêu chiến lược luôn mang tính cụ thể, rõ ràng, đo lường được, có thời hạn nhất định còn tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp luôn là viễn cảnh có tính khái quát cao, trừu tượng.
“Hoạch định chiến lược là quá trình xác định mục tiêu chiến lược là gì và phân tích tình hình thực tế của thị trường cũng như của doanh nghiệp để lên những kế hoạch hành động cụ thể hướng đến mục tiêu.”
2/ Thực thi chiến lược
Thực thi chiến lược là việc doanh nghiệp tạo ra các sắp đặt mang tính tổ chức cho phép doanh nghiệp theo đuổi chiến lược của mình một cách hữu hiệu. Nói cách khác, đây là quá trình chuyển giao từ những kế hoạch trên giấy trong phần hoạch định chiến lược thành những hành động thực tế và cụ thể. Đây là giai đoạn rất quan trọng để biến chiến lược thành hiện thực.
Những công việc doanh nghiệp cần phải lưu tâm trong quá trình thực thi chiến lược là việc thiết lập mục tiêu theo từng năm, xây dựng các chính sách, phân bổ nguồn lực, thay đổi cấu trúc tổ chức, phát triển năng lực lãnh đạo chiến lược và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp thường ít ưu tiên việc thay đổi cấu trúc tổ chức và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong khi đây là hai yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của chiến lược.
Mặt khác, chúng ta cũng cần phân biệt hoạch định chiến lược và thực thi chiến lược là hai quá trình có những đặc điểm khác nhau. Hoạch định dùng để phân tích và định vị nguồn lực của doanh nghiệp cũng như những yếu tố tác động để đưa ra những kế hoạch phù hợp.
Còn thực thi là quá trình hành động và quản lý các nguồn lực trong kế hoạch đã vạch ra. Khi đã đưa chiến lược vào thực thi, doanh nghiệp sẽ không quay lại công việc của hoạch định chiến lược nữa. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua việc giám sát và điều chỉnh kế hoạch chiến lược phù hợp với thực tế. Đây là công tác của quản trị chiến lược.
“Thực thi chiến lược là quá trình chuyển giao từ những kế hoạch trên giấy trong phần hoạch định chiến lược thành những hành động thực tế và cụ thể.”
3/ Quản trị chiến lược
Quản trị chiến lược là gì? Nó là hệ thống các phương pháp bài bản, có công cụ hiện đại để hỗ trợ phân tích và đo lường mức độ hiệu quả của chiến lược đang thực thi. Việc quản trị chiến lược bao gồm tất cả các hoạt động lập kế hoạch, phân tích, giám sát và đánh giá các nguồn lực của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn phục vụ cho mục tiêu chiến lược. Chính vì vậy, quản trị chiến lược là công tác bao quát cả hai quá trình hoạch định chiến lược và thực thi chiến lược.
Việc quản trị chiến lược vô cùng cần thiết vì, nó giúp giám sát và đo lường mức độ hiệu quả của những hoạt động đang được tiến hành sau quá trình hoạch định và trong quá trình thực thi, từ đó có những điều chỉnh nhanh chóng và phù hợp nhằm đảm bảo chiến lược được thực thi thành công.
Bên cạnh đó, sau khi thực thi chiến lược, doanh nghiệp cũng cần phải đánh giá mức độ hoàn thành cũng như các yếu tố tác động đến kết quả thực thi chiến lược để rút ra bài học kinh nghiệm. Đây cũng là nhiệm vụ của quản trị chiến lược.
Quản trị chiến lược đóng vai trò nền tảng cho mọi quyết định quan trọng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đi theo một phương hướng nhất định mà doanh nghiệp đã lựa chọn. Doanh nghiệp làm tốt công tác quản trị chiến lược sẽ luôn ở trong tư thế chủ động, sẵn sàng, vừa đi sát với chiến lược đề ra mà vẫn không mất đi sự linh hoạt.
“Quản trị chiến lược tốt giúp doanh nghiệp luôn trong tư thế chủ động, vừa đi sát với chiến lược vừa không mất đi sự linh hoạt.”
Những khái niệm trên đây giúp chúng ta trả lời được chiến lược là gì cũng như thấy được bức tranh phác hoạ về chiến lược trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, để trở thành chuyên gia về chiến lược, doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều nguồn lực để đào sâu nghiên cứu. Thậm chí nếu cần thiết phải thuê cả đội ngũ chuyên nghiệp bên ngoài để quản trị chiến lược cho doanh nghiệp. Và đây là nguồn đầu tư tất yếu nếu doanh nghiệp muốn thành công trên thương trường.