LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC KINH DOANH HIỆU QUẢ?

Xây dựng chiến lược kinh doanh là trọng trách quan trọng của người lãnh đạo nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Chiến lược đúng, năng lực doanh nghiệp đủ sẽ đưa đến một kết quả tuyệt vời. Còn nếu chiến lược sai, dù năng lực vững, kết quả vẫn sẽ là thất bại. Vì vậy, để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức, trước khi bắt tay vào việc xây dựng chiến lược, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề dưới đây.

Hiểu đúng và phân biệt chiến lược kinh doanh với chiến thuật kinh doanh 

Chiến lược kinh doanh không phải là một thuật ngữ xa lạ với chúng ta. Có thể hiểu, chiến lược kinh doanh là nghệ thuật phối hợp và điều khiển các hoạt động trong doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp. Từ định nghĩa này có thể thấy, đặc trưng cơ bản nhất của chiến lược kinh doanh là tính ổn định. Song, ổn định không có nghĩa là bất biến. Khi xây dựng chiến lược kinh doanh, người hoạch định vẫn cần có sự quan sát và nhạy bén với sự thay đổi từ các yếu tố bên ngoài như thị trường. Nếu thị trường có biến động quá lớn thì chiến lược cũng cần phải điều chỉnh để kịp thích ứng. 



Một thuật ngữ khác chúng ta cũng thường gặp và dễ có sự nhầm lẫn với chiến lược kinh doanh là chiến thuật kinh doanh. Chiến thuật kinh doanh là những biện pháp, cách thức cụ thể giúp doanh nghiệp đạt được những chỉ tiêu đề ra. Hay nói một cách khác, chiến thuật kinh doanh là những bước đi cụ thể để thực hiện chiến lược kinh doanh. 

Khác với chiến lược kinh doanh mang tính ổn định, chiến thuật kinh doanh cần sự nhạy bén và tức thời để thích ứng với những biến động dù là rất nhỏ từ thị trường nhằm tạo được lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và phục vụ cho những mục tiêu ngắn hạn của doanh nghiệp. Không một doanh nghiệp nào có thể hội tụ đầy đủ các nguồn lực để triển khai toàn bộ chiến lược kinh doanh trong cùng một thời điểm. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần đến chiến thuật kinh doanh để lựa chọn đâu là mục tiêu ưu tiên phù hợp với thực tế của doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể hoàn thành chiến lược kinh doanh đúng như kỳ vọng.

Song, do chiến lược và chiến thuật kinh doanh là hai khái niệm gần gũi và bao hàm nên các doanh nghiệp thường gặp phải vấn đề nhầm lẫn giữa hai khái niệm này khiến việc xây dựng chiến lược kinh doanh không hiệu quả. Khi không hiểu được bản chất của chiến lược và chiến thuật, thay vì chỉ cần thay đổi chiến thuật thì doanh nghiệp lại quyết định thay đổi chiến lược khiến cả hệ thống rơi vào rối loạn. Hay ngược lại, khi cần phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh thì họ lại chọn thay đổi chiến thuật khiến doanh nghiệp đánh mất những cơ hội tốt và không đủ khả năng cạnh tranh khi phải đối diện với những thách thức. 

Như vậy, điều tiên quyết để có thể xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả là hiểu thấu đáo về chiến lược kinh doanh và chiến thuật kinh doanh. Có nhiều người quan tâm đến khả năng ứng dụng hơn là lý thuyết. Tuy nhiên, lý thuyết chính là nền tảng của ứng dụng. Nếu không hiểu được bản chất của vấn đề, khi ứng dụng chúng ta sẽ rất dễ vấp phải những sai lầm khiến kết quả không như ý muốn. Đó cũng là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh mà không thành công. 
“Điều tiên quyết để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả là hiểu thấu đáo về chiến lược kinh doanh và chiến thuật kinh doanh."

Xây dựng chiến lược kinh doanh căn cứ trên số liệu thực tế

Điều thứ hai doanh nghiệp cần lưu ý để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả đó là nền tảng số liệu thực tế. Chiến lược kinh doanh là cơ sở cho các hoạt động kinh doanh, định hướng đường lối cho doanh nghiệp về lâu dài. Có được chiến lược kinh doanh tốt sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội và hạn chế rủi ro, nhất là trước thực tế thị trường nhiều biến động như hiện nay. Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh tốt không có nghĩa là chiến lược kinh doanh với những số liệu đẹp. Nhưng thực tế việc xây dựng chiến lược kinh doanh dường như đi ngược lại. 

Các doanh nghiệp thường có xu hướng hoạch định chiến lược kinh doanh dựa trên những kỳ vọng mà bản thân mong muốn hơn là dựa vào những số liệu thực tế mà doanh nghiệp có. Nhưng như vậy sẽ khiến chiến lược kinh doanh thiếu tính khả thi. Một chiến lược kinh doanh tốt cần được xây dựng trên doanh thu và lợi nhuận thực tế hiện tại của doanh nghiệp, những nhóm sản phẩm đạt tỷ trọng tiêu thụ cao, số lượng khách hàng đang có, khả năng cung ứng thực tế của doanh nghiệp, xu hướng phát triển của thị trường và thị hiếu của khách hàng trong tương lai. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn cần khảo sát thêm về chiến lược của các doanh nghiệp đang cạnh tranh để có được chiến lược kinh doanh hợp lý.

Một số liệu cực kỳ quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi xây dựng chiến lược kinh doanh đó là nguồn vốn. Nếu nguồn vốn bạn huy động được chỉ có 1 tỷ mà bạn muốn xây dựng một chiến lược kinh doanh trị giá 10 tỷ thì làm thế nào có thể thực hiện chiến lược ấy? Tính khả thi là yếu tố cốt lõi giúp một chiến lược kinh doanh đạt hiệu quả khi đi vào triển khai. Do đó, đừng xây dựng chiến lược kinh doanh bằng những con số đẹp mà hãy xây dựng trên số liệu thực tế của doanh nghiệp. 
“Đừng xây dựng chiến lược kinh doanh bằng những con số đẹp mà hãy xây dựng trên số liệu thực tế của doanh nghiệp.”

Xây dựng chiến lược kinh doanh trên nền tảng của sự cân đối

Sự cân đối trong xây dựng chiến lược kinh doanh trước hết thể hiện trong việc cân đối nguồn ngân sách. Như đã chia sẻ ở trên, nguồn vốn là một số liệu quan trọng quyết định đến việc chiến lược có thể triển khai hay không. Ngoài vấn đề nguồn vốn doanh nghiệp huy động được tương ứng với dự tính về mặt tài chính của chiến lược kinh doanh thì việc phân bổ nguồn vốn ra sao cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng chiến lược. 

Một bảng chiến lược kinh doanh mà chỉ tập trung vào yếu tố marketing, bán hàng không phải là một chiến lược kinh doanh cân đối. Bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh doanh thu như marketing, bán hàng, thì những khoản đầu tư khác như máy móc, thiết bị, công nghệ, nhân sự,... cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với hiệu quả kinh doanh. Do đó, việc phân bổ nguồn ngân sách hợp lý cho những khoản mục trên là điều cần thiết để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. 

Ngày nay, có rất nhiều doanh nghiệp áp dụng thẻ điểm cân bằng (BSC - Balance Scorecard) vào trong xây dựng chiến lược kinh doanh để hoạch định sự phát triển của doanh nghiệp cân đối giữa bốn yếu tố: Tài chính, Khách hàng, Quy trình và Con người. Không phải ngẫu nhiên mà BSC là công cụ được các doanh nghiệp hàng đầu lựa chọn trong việc xây dựng và quản trị chiến lược.

Ưu điểm của Thẻ điểm cân bằng BSC là chúng có thể kết nối những hoạt động kinh doanh hàng ngày, ngắn hạn (hay cũng có thể hiểu là chiến thuật) với mục tiêu, tầm nhìn của công ty (hay cũng có thể hiểu là chiến lược). Bên cạnh đó, nhờ có tính đo lường và định hướng, BSC không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược mà còn có thể đo lường và đánh giá tính khả thi cũng như mức độ thực hiện chiến lược khi đưa vào triển khai, hướng doanh nghiệp đến những đầu mục quan trọng phục vụ cho chiến lược và loại bỏ những hoạt động thừa gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực cho doanh nghiệp. Và cuối cùng, đúng như tên gọi của nó - Thẻ điểm cân bằng - giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược một cách cân bằng trên bốn khía cạnh Tài chính, Khách hàng, Quy trình và Con người, giúp doanh nghiệp có thể phát triển ổn định và bền vững. 




Xây dựng chiến lược kinh doanh là định hướng con đường phát triển dài hạn cho doanh nghiệp. Bạn có thể hoạch định một chiến lược kinh doanh mũi nhọn giúp doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng sau đó dễ bị chững lại, hoặc một chiến lược cân đối, không đưa doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng ổn định và bền vững. Người xưa có câu: “Đường dài mới biết ngựa hay”. Kinh doanh là một cuộc đua marathon, không phải hễ ai chạy nhanh là có thể về đích trước. Điều quan trọng là bạn hiểu được thực trạng của doanh nghiệp mình, biết phân bổ nguồn lực cân đối và định hướng phát triển đồng đều. Có như vậy, bạn mới biết được doanh nghiệp mình có “hay”, chiến lược kinh doanh của mình có tốt hay không. 
 
Trong thời buổi 4.0, chỉ cần gõ cụm từ “xây dựng chiến lược kinh doanh” vào ô tìm kiếm trên google, bạn có thể tìm thấy rất nhiều kết quả với những nội dung được trình bày theo nhiều định hướng khác nhau. Thậm chí, đó còn có thể là những chiến lược kinh doanh của những “ông lớn” đang rất thành công trên thị trường. Tham khảo chiến lược kinh doanh từ các doanh nghiệp khác là cách làm tốt. Dẫu vậy, cần hiểu rõ về chiến lược kinh doanh, ứng dụng dựa trên thực tế của doanh nghiệp mình và áp dụng các công cụ phù hợp trong việc xây dựng chiến lược thì mới có thể xây dựng được chiến lược kinh doanh hiệu quả. 
Chia sẻ bài viết

Bài viết khác

KHOÁ HUẤN LUYỆN ​CHUYÊN GIA BSC/OKRs/KPIs NỘI BỘ CỦA TOPPION

Khóa huấn luyện BSC/OKRs/KPIs của TOPPION ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cân bằng và bền vững. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều các đơn vị...

NHẬN NGAY TRỌN BỘ COMBO "BÍ KÍP" BSC/KPI

​​   LÝ DO THẤT BẠI KHI TRIỂN KHAI BSC/KPI BSC là công cụ quản trị thực thi chiến lược hiện đại và hiệu quả trên thế giới, nhưng hiện nay có nhiều và...

THẺ ĐIỂM CÂN BẰNG VÀ 6 LƯU Ý CẦN PHẢI NHỚ

Thẻ điểm cân bằng - Balance Scorecard (BSC) là công cụ quản trị hiện đại được “trọng dụng” ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong thế kỷ 21....

KPIs LÀ GÌ? 3 NGUYÊN TẮC VÀNG TRONG TRIỂN KHAI KPIs

KPIs là viết tắt của cụm từ Key Performance Indicators, được hiểu là chỉ số đo lường và đánh giá hiệu suất của một cá nhân hay bộ phận của công...

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP - "CHẤT KẾT DÍNH" THỜI KHỦNG HOẢNG

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP - “CHẤT KẾT DÍNH” THỜI KHỦNG HOẢNG "Chìa khóa để doanh nghiệp vững vàng trước thử thách là văn hóa doanh nghiệp - 'chất kết dính' để  đội...

"Bí kíp" ứng dụng thành công BSC/KPIs

​​   LÝ DO THẤT BẠI KHI TRIỂN KHAI BSC/KPI BSC là công cụ quản trị thực thi chiến lược hiện đại và hiệu quả trên thế giới, nhưng hiện nay có nhiều và...