MBO LÀ GÌ? ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA MBO

Bên cạnh việc dựa vào năng lực lãnh đạo và quản lý của người đứng đầu, các doanh nghiệp còn có các công cụ quản trị để hỗ trợ và giúp quản lý doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Cùng với MBP, OGSM, KPIs, BSC,… MBO cũng là một công cụ quản trị hữu hiệu được nhiều doanh nghiệp tin tưởng áp dụng. MBO là gì và có những ưu – nhược điểm nào sẽ là nội dung chính chúng ta cùng tìm hiểu trong bài biết này. 
 
 

MBO – Công cụ quản trị theo mục tiêu

Nếu được hỏi MBO là gì? hẳn sẽ không ai ngần ngại trả lời nó là từ viết tắt của cụm từ "Management By Objectives" được hiểu là công cụ quản trị theo mục tiêu. Ngay từ tên gọi, chúng ta đã nhận ra được yếu tố mấu chốt của công cụ này nằm ở hai chữ "Mục tiêu". Vì vậy, công cụ MBO giúp doanh nghiệp quản lý dựa trên việc xác định mục tiêu hàng đầu của công ty, từ đó xác định mục tiêu cho từng nhân viên, từ lãnh đạo cấp cao nhất xuống các nhân viên thực thi bên dưới. MBO là công cụ quản lý dựa trên việc nhận định mục tiêu và đánh giá quá trình thực hiện mục tiêu.

Các bước thực hiện MBO

Do lấy mục tiêu làm cốt lõi, các bước thực hiện MBO cũng xoay quanh quá trình nhận định và thực thi mục tiêu.

Bước 1: Xem xét và thiết lập các mục tiêu của công ty
Bước 2: Dựa trên mục tiêu của công ty, xây dựng mục tiêu của từng cá nhân
Bước 3: Theo dõi và kiểm soát tiến trình thực hiện
Bước 4: Đánh giá mức độ hiệu quả
Bước 5: Ghi nhận kết quả, khen thưởng

Đối với công cụ MBO, việc quan trọng nhất là xác định chính xác được mục tiêu, từ mục tiêu của công ty đến mục tiêu của từng nhân viên. Bởi nếu xác định sai mục tiêu thì việc áp dụng công cụ MBO sẽ thất bại ngay từ khi bắt đầu. Chính vì tầm quan trọng đó, các doanh nghiệp thường rất cẩn trọng trong việc suy nghĩ, định hướng và lựa chọn các mục tiêu. Để việc xem xét và thiết lập các mục tiêu đạt hiệu quả, công cụ MBO đặt ra các nguyên tắc lựa chọn mục tiêu

Nguyên tắc SMART

S: Specific - cụ thể
M: Measurable - đo lường được
A: Achievable - có khả năng đạt được
R: Realistics - thực tế
T: Timebound - có thời hạn

Đồng thời, các mục tiêu trong hệ thống MBO cũng được phân chia thành 3 loại cụ thể: mục tiêu cho công việc hàng ngày, mục tiêu giải quyết vấn đề và mục tiêu đổi mới. Mục tiêu cho công việc hàng ngày nhằm duy trì các hoạt động của tổ chức. Mục tiêu giải quyết vấn đề đáp ứng việc giải quyết những vấn đề khó khăn phát sinh. Và mục tiêu đổi mới, thường là mục tiêu dài dạn hoặc mục tiêu phát triển của tổ chức.

“MBO là công cụ quản lý dựa trên việc nhận định mục tiêu và đánh giá quá trình thực hiện mục tiêu."​​

Nguồn gốc của MBO

Thuật ngữ “quản trị theo mục tiêu” xuất hiện lần đầu tiên năm 1954 trong quyển sách “Thực hành quản trị” của Peter Drucker, nhưng ít ai biết ông đã manh nha lý thuyết quản trị này từ trước đó.

Peter Drucker là một bậc thầy về kinh tế học, cũng là chuyên gia hàng đầu trong giới tư vấn quản trị. Ông được coi là cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh hiện đại với nhiều lý thuyết quản trị đi kèm với những tác phẩm ông viết. Quản trị theo mục tiêu – MBO là một trong số đó.

MBO manh nha ra đời từ lý thuyết phân quyền được đề cập đến trong cuốn “Concept of Corporation” (tạm dịch “Quan Niệm về Doanh Nghiệp”) được Peter Drucker viết năm 1946. Tới năm 1954, cuốn sách “Thực hành quản trị” xuất bản cũng là lúc MBO hoàn thiện và ra mắt với mọi người, sau đó được các doanh nghiệp vận dụng vào quy trình quản trị của mình.

“Quản trị theo mục tiêu có hiệu quả nếu bạn biết mục tiêu là gì. 90 trong số 100 lần, bạn không biết.”
(Peter Drucker)

​Sức mạnh của MBO

Về mặt bản chất, ý tưởng của MBO rất đơn giản nhưng cho đến nay nó vẫn phát huy được tối đa sức mạnh của mình và là một trong những hệ thống quản trị rất hiệu quả. Manh nha từ lý thuyết phân quyền trong quản trị, Peter Drucker xây dựng MBO bằng cách phân chia mục tiêu từ trên xuống dưới, tạo không gian và điều kiện tối đa để nhân viên có thể sáng tạo.

Để hiểu rõ hơn về điều này, cần quay ngược về bối cảnh và xu thế quản trị trong những năm thập niên 50 của thế kỷ XX. Khi ấy, việc quản lý chỉ dừng lại ở việc “ra lệnh và làm theo”, người lao động bị coi như “những cỗ máy làm việc” biết nói. Drucker nhận ra xu thế mới về “người lao động trí thức”, người lao động không chỉ biết làm việc như những cỗ máy mà còn có khả năng sáng tạo, biến đổi và phát triển. Chính vì thế, những mục tiêu lớn mang theo tầm nhìn và sứ mệnh của công ty được chia thành từng mục tiêu nhỏ cho từng nhân viên các cấp, và họ có toàn quyền tự do trong việc hiện thực hóa mục tiêu ấy, miễn sao có thể hoàn thành theo những gì đã đề ra và không đi ngược lại những nguyên tắc chung của doanh nghiệp.

MBO giúp cho nhân viên hiểu được mục tiêu chung cần đạt được, sau đó giúp họ gắn mục tiêu cá nhân với tập thể, nâng cao cam kết của nhân viên giúp việc thực hiện các mục tiêu dễ dàng, tránh được các công việc thừa không cần thiết. Do đó, sức mạnh của MBO tiềm tàng trong chính không gian mà MBO tạo ra để các nhân sự tự do, chủ động và sáng tạo trong khuôn khổ mục đích chung của công ty gắn với tầm nhìn và sứ mệnh, đồng thời cũng không tách rời với văn hóa doanh nghiệp.

“Sức mạnh của MBO là không gian MBO tạo ra để nhân sự tự do, chủ động và sáng tạo trong khuôn khổ mục đích chung của công ty gắn với tầm nhìn và sứ mệnh, đồng thời cũng không tách rời với văn hóa doanh nghiệp.

Ưu - nhược điểm của MBO

Về mặt ưu điểm, trước hết MBO giúp nhân viên đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của họ trong công việc bởi họ không chỉ là người “nhận lệnh” rồi thực thi, mà được đóng góp vào trong quá trình xác lập mục tiêu và hoàn thành mục tiêu theo cách làm việc của mình. Cũng từ điểm này, các kế hoạch được lập ra nhằm hoàn thành mục tiêu cũng sẽ dựa trên trình độ học vấn, chuyên môn, sở thích của từng cá nhân cụ thể, giảm bớt gánh nặng và tạo sự hứng khởi cho nhân viên trong khi thực thi.

Bên cạnh đó, MBO cung cấp cho nhân sự những mục tiêu rõ ràng về những gì mà nhân sự đang mong đợi. Mỗi mục tiêu được giao cho từng cá nhân cụ thể gắn với mục tiêu chung của bộ phận, của doanh nghiệp giúp nhân sự ý thức được vai trò và tầm quan trọng của mình trong tập thể, đồng thời thúc đẩy sự tương tác và làm việc nhóm để hoàn thành mục tiêu chung lớn hơn.
Ngoài ra, MBO giúp ban lãnh đạo tiết kiệm được phần lớn thời gian và công sức khi phân quyền cho những nhân viên cấp dưới thực thi, bản thân sẽ có nhiều thời gian để quan sát, đánh giá và đưa ra những kế hoạch phát triển mang tầm vĩ mô nhằm tạo nên những bước tiến mới cho doanh nghiệp.




Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, MBO cũng có một số nhược điểm mà khi áp dụng các doanh nghiệp cần cẩn thận xem xét để khắc phục.

Do tính phân chia mục tiêu theo từng nhân sự, mỗi nhân sự có mục tiêu riêng và có cách thự thi riêng nên MBO không đảm bảo được tính tập trung, dễ sai lạc và khó đúng chuẩn. Không gian MBO tạo ra cho nhân sự tự do và sáng tạo trong công việc cũng có thể khiến nhân sự đi lệch mục tiêu và định hướng ban đầu. Bên cạnh đó, MBO cũng gây khó khăn không nhỏ cho việc kiểm soát chi phí trong quá trình thực hiện do việc thực thi của nhân viên không đồng nhất.

Ngoài ra, khi nói về các công cụ quản trị thì MBO cũng như BSC đều là công cụ quản trị hướng đến mục tiêu và liên quan đến toàn bộ tổ chức trong quá trình ra quyết định nhưng MBO lại không có những đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, được tổ chức chứng nhận như BSC. Khi triển khai MBO hay OGSM thì cần phải kết hợp với các công cụ quản trị đo lường khác như OKR và KPI mới có thể hạn chế rủi ro và tăng mức độ hiệu quả của công cụ.

“Phân chia mục tiêu, tạo không gian chủ động và sáng tạo khi thực thi mục tiêu vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm của MBO."
Như vậy, chúng ta hẳn cũng đã hiểu được MBO là gì, sức mạnh của nó ra sao và nó có những ưu – nhược điểm như thế nào. Không chỉ MBO mà bất cứ một công cụ quản trị nào cũng sẽ có những ưu thế và hạn chế riêng, điều quan trọng là chúng ta lựa chọn công cụ như thế nào cho phù hợp với doanh nghiệp, đồng thời phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm của công cụ thì việc quản trị doanh nghiệp mới có thể thực sự mang lại hiệu quả như những gì chúng ta kỳ vọng.

Chia sẻ bài viết

Bài viết khác

KHOÁ HUẤN LUYỆN ​CHUYÊN GIA BSC/OKRs/KPIs NỘI BỘ CỦA TOPPION

Khóa huấn luyện BSC/OKRs/KPIs của TOPPION ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cân bằng và bền vững. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều các đơn vị...

NHẬN NGAY TRỌN BỘ COMBO "BÍ KÍP" BSC/KPI

​​   LÝ DO THẤT BẠI KHI TRIỂN KHAI BSC/KPI BSC là công cụ quản trị thực thi chiến lược hiện đại và hiệu quả trên thế giới, nhưng hiện nay có nhiều và...

THẺ ĐIỂM CÂN BẰNG VÀ 6 LƯU Ý CẦN PHẢI NHỚ

Thẻ điểm cân bằng - Balance Scorecard (BSC) là công cụ quản trị hiện đại được “trọng dụng” ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong thế kỷ 21....

KPIs LÀ GÌ? 3 NGUYÊN TẮC VÀNG TRONG TRIỂN KHAI KPIs

KPIs là viết tắt của cụm từ Key Performance Indicators, được hiểu là chỉ số đo lường và đánh giá hiệu suất của một cá nhân hay bộ phận của công...

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP - "CHẤT KẾT DÍNH" THỜI KHỦNG HOẢNG

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP - “CHẤT KẾT DÍNH” THỜI KHỦNG HOẢNG "Chìa khóa để doanh nghiệp vững vàng trước thử thách là văn hóa doanh nghiệp - 'chất kết dính' để  đội...

"Bí kíp" ứng dụng thành công BSC/KPIs

​​   LÝ DO THẤT BẠI KHI TRIỂN KHAI BSC/KPI BSC là công cụ quản trị thực thi chiến lược hiện đại và hiệu quả trên thế giới, nhưng hiện nay có nhiều và...