Ông bà xưa có câu thành ngữ “đầu xuôi, đuôi lọt”. Chính vì thế, sau một dịp nghỉ Tết nguyên đán dài, ngày khai trương luôn là một sự kiện trọng đại đối với doanh nghiệp. Qua bài viết này, tôi (Loan Văn Sơn) kính tặng tất cả những nhà lãnh đạo, quản lý nói riêng và doanh nhân nói chung một từ "THÔNG" - Thông trong từ "Hanh Thông".
Hanh Thông gồm 2 vế : môi trường thuận lợi và nội lực đủ để làm được điều mình muốn. Nội lực đây cũng bao gồm sức khỏe + trí lực + tâm lực. Riêng đối với lãnh đạo doanh nghiệp thì từ THÔNG đòi hỏi nhiều yếu tố cụ thể hơn. THÔNG =TIN + THUYỀN + KHÍ + VĂN + NHỎ + MINH
Đối với việc xây dựng chiến lược, kế hoạch và các KPIs cho năm mới, một số doanh nghiệp tiến hành từ giai đoạn Tết Dương Lịch. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thực hiện vào dịp cận Tết Nguyên Đán. Nhìn chung, dù bộ “bản đồ” doanh nghiệp này được xây dựng vào thời gian nào đi nữa, thì việc đầu tiên lãnh đạo cần thực hiện là đả thông tư tưởng, củng cố lòng tin của đội ngũ vào chiến lược, kế hoạch và các chỉ số đo lường đã giao trước đó. Nói nôm na, lãnh đạo phải là người “nổ phát súng đầu tiên” để khai mạc cho một năm kinh doanh của toàn doanh nghiệp. Với vai trò tướng lĩnh, người lãnh đạo cần củng cố để đội ngũ tin vào định hướng, con đường họ sắp đi. Bởi nếu đội ngũ không có lòng tin, khác nào chưa ra trận đã đầu hàng?
Có thể nói, Tết chính là một bài kiểm tra tự nhiên đối với doanh nghiệp về sự phù hợp của đội ngũ nhân sự để xác định tinh thần của những người “lên thuyền” có còn phù hợp hay không. Bởi đây là thời điểm mà người lao động nhảy việc rất nhiều. Nhân sự dễ rơi vào tình trạng dao động trước sự tác động của những yếu tố xung quanh như: sự so sánh với những người đồng trang lứa về chức vụ, thu nhập, quy mô công ty hay chế độ lương thưởng. Cũng có thể Tết chính là dịp đem đến cho họ những cơ hội làm việc mới cho dịp đầu năm.
Chính vì thế, việc xác định lại rõ ràng danh sách thuyền viên là vô cùng quan trọng. Ai lên thuyền, ai xuống thuyền phải được điểm danh một cách rõ ràng. Bởi sự phù hợp về mặt con người chính là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bài của một chiến lược, kế hoạch. Chúng ta vẽ nên viễn cảnh tươi đẹp đến đâu, nhưng đội ngũ thực thi không phù hợp hoặc không cùng chí hướng, thì viễn cảnh ấy sẽ trở thành viển vông.
Người muốn khỏe mạnh, khí huyết phải lưu thông. Muốn trí tuệ minh mẫn, hệ thống huyết mạch phải cung cấp đủ oxy cho não. Doanh nghiệp cũng thế. Nếu ví người lãnh đạo như là bộ não, thì những vị trí trọng yếu ở cấp trung chính là quả tim. Muốn hệ thống mao mạch hoạt động trơn tru và hiệu quả, hãy xem xét lại hệ thống quy trình lõi (core process) có đang thực sự tối ưu hay không. Liệu các chính sách quy định có giẫm chân nhau không, đã rõ ràng, minh bạch hay chưa.
Mặt khác, dù khí huyết ổn thỏa, nhưng quả tim không khỏe mạnh thì doanh nghiệp cũng không thể nào khỏe mạnh, chứ chưa nói đến hiệu suất. Vì vậy, để đả thông toàn hộ hệ thống huyết mạch, cần đánh giá lại đội ngũ kế cận - những vị trí trực tiếp báo cáo cho lãnh đạo có phối hợp hiệu quả với nhau hay không.
Nếu giữa những vị trí này tồn tại cái tôi quá lớn, sự mâu thuẫn, có những “điểm mù” trong phối hợp, thì lúc này người lãnh đạo cần có 2 bản lĩnh:
- Thứ nhất: Nhanh chóng hội họp để giải quyết dứt điểm những bất cập trong quy trình đang làm nghẽn mạch của hệ thống.
- Thứ hai: Coaching, feedback các vị trí chủ chốt này về tinh thần và kỹ năng phối hợp.
Lãnh đạo cần đủ dũng cảm để nói thẳng, nói thật với những phó tổng, trưởng phòng về những hạn chế trong sự phối hợp. Bởi nếu những vị trí trọng yếu đã không thể phối hợp ăn ý được với nhau, làm sao đòi hỏi các cấp bên dưới hợp tác nhuần nhuyễn?
Điều gì tạo nên bản sắc của doanh nghiệp? Đó chính là các giả định ngầm hiểu, được cấu thành từ những nguyên tắc văn hóa tối thượng. Chính những điều này tạo nên cái gọi là văn hóa doanh nghiệp. Và văn hóa phải được biểu hiện một cách đồng nhất ở những con người trong đội ngũ.
Chính vì vậy, trong vòng 1 tháng sau Tết, những hành vi đi ngược lại các nguyên tắc văn hóa tối thượng cần phải được nhắc nhở, hướng dẫn để cải thiện, đảm bảo sự thống nhất trong văn hóa đội ngũ. Đồng thời, các nguyên tắc này cần được lồng vào một cách rõ nét trong những quyết sách của lãnh đạo nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
Câu nói “Không ai đánh thuế ước mơ” luôn luôn đúng. Đã mơ, phải mơ thật lớn. Nhưng nếu đã mơ, thì phải làm, hơn nữa là làm đúng. Vì nếu mơ nhưng không làm, khác nào “há miệng chờ sung rụng”.
Với tư cách là lãnh đạo, tôi tin ai trong chúng ta cũng mơ lớn. Nhưng liệu chúng ta đã làm đúng hay chưa?
Làm đúng nghĩa là làm từ những việc nhỏ nhất trong bản đồ đi đến ước mơ ấy. Người xưa có câu “góp gió thành bão”. Nếu không làm từ việc nhỏ, thì đại sự do đâu mà thành?
Làm đúng không chỉ là làm từ việc nhỏ, mà còn là sự kiên nhẫn với những việc nhỏ ấy. Từng việc nhỏ trong quá trình thay đổi trong công ty đến nơi đến chốn sẽ tạo ra lòng tin cho quá trình thay đổi và tập hợp được lòng dân khi tái cấu trúc.
Cuối cùng, cần ghi nhớ rằng “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Là lãnh đạo, chúng ta không thể cứ mãi nhìn bốn phương tám hướng mà quên mất việc ngoái nhìn vào chính bên trong để tìm kiếm và xóa những “điểm mù” của chính mình. Hành động này gọi là MINH
Vì vậy, một trong những việc quan trọng nhất đối với lãnh đạo là hãy dành thời gian cho bản thân để tìm kiếm, phát hiện những điểm mù trong tư duy của bản thân để thay đổi và cải thiện. Bởi chính tư duy của người lãnh đạo mới là yếu tố hàng đầu quyết định doanh nghiệp của họ ở đâu.
Với 6 điều nhắc nhớ này, tôi hy vọng các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ củng cố con thuyền doanh nghiệp, đặc biệt là củng cố tay chèo để vượt qua mọi thử thách, đón đầu một năm mới như cá chép vượt Vũ Môn Quan để hóa rồng.
Loan Văn Sơn
0 giờ 0 phút - 01 tháng Giêng năm Tân Sửu 2021