VÌ SAO PHẢI XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO

Vì sao phải xây dựng khung năng lực lãnh đạo là vấn đề mà không ít hoạt động trong lĩnh vực nhân sự đặc biệt quan tâm. Và khi nhìn vào thực tế, ta cũng thấy rằng không ít  lãnh đạo có xu hướng sử dụng quyền lực để quản trị doanh nghiệp, dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn. Vậy tại sao một số lãnh đạo rất giỏi trong việc lĩnh xướng đội ngũ của mình, một số khác thì lại không? Liệu những người lãnh đạo thành công có tài năng thiên bẩm, hay có bí quyết đặc biệt nào? Lãnh đạo không phải một năng lực thiên phú, cũng không phải một bí thuật. Xây dựng khung năng lực lãnh đạo chính là sự lý giải cho khẳng định này! 
 

Xây dựng khung năng lực lãnh đạo là gì?

Năng lực bao gồm những yếu tố như kiến thức, thái độ, kỹ năng và các đặc điểm cá nhân khác có vai trò thiết yếu để hoàn thành công việc, tạo ra sự khác biệt về hiệu suất giữa người có năng lực vượt trội và người có năng lực trung bình. Các doanh nghiệp thường chia năng lực thành 3 nhóm chính: nhóm năng lực chung, năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo. Mỗi nhóm năng lực sẽ có những đặc điểm, yêu cầu riêng. 
 
Nhóm năng lực lãnh đạo sẽ được xây dựng thành khung năng lực lãnh đạo, là một tập hợp những năng lực cần thiết cho vị trí lãnh đạo và quản lý. Tuy có đặc điểm và yêu cầu riêng, nhưng khung năng lực lãnh đạo vẫn được xây dựng trên nền tảng của khung năng lực và có sự giao thoa, ràng buộc với các năng lực khác trong cùng khung năng lực. 
 
Một người lãnh đạo không chỉ cần đáp ứng được khung năng lực lãnh đạo mà vẫn phải có năng lực chung và năng lực chuyên môn. Năng lực chung, hay còn được gọi là năng lực cốt lõi, là những năng lực cần thiết cho mọi vị trí ở công ty. Vì những năng lực này được lựa chọn dựa trên chiến lược và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Thiếu đi năng lực cốt lõi, người lãnh đạo dù có giỏi đến đâu cũng không thể đồng hành dài lâu trong định hướng phát triển chung của doanh nghiệp. 
 
Dựa trên nền tảng khung năng lực, nên khung năng lực lãnh đạo cũng cung cấp cho doanh nghiệp những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ được phân theo cấp độ, là cơ sở để đánh giá một người có những yếu tố và đặc điểm phù hợp với vị trí quản lý, đảm nhận vai trò lãnh đạo ở các cấp độ khác nhau như thế nào. Từ cơ sở này, doanh nghiệp sẽ lựa chọn được nhân sự có khả năng lãnh đạo, giúp quá trình quản trị và phát triển nguồn nhân lực thuận lợi và hiệu quả hơn.

“Khung năng lực lãnh đạo vẫn được xây dựng trên nền tảng của khung năng lực và có sự giao thoa, ràng buộc với các năng lực khác trong cùng khung năng lực.”

Khung năng lực lãnh đạo tập trung vào năng lực quản lý và dẫn dắt đội ngũ

Theo bạn, đâu là điểm khác biệt giữa người lãnh đạo và nhân viên? Điểm khác biệt là người lãnh đạo không chỉ cần quản lý tốt bản thân mà còn phải có năng lực để quản lý tốt người khác nữa. Do đó, khung năng lực lãnh đạo cần lựa chọn những năng lực cần thiết đáp ứng được yêu cầu quản lý và dẫn dắt đội ngũ. Tưởng chừng như đây là một công việc rất đơn giản, chỉ cần liệt kê ra những năng lực để hoàn thành trách nhiệm này là được. Nhưng kỳ thực, xây dựng khung năng lực lãnh đạo không dễ dàng đến thế. 
 
Xây dựng khung năng lực không chỉ dừng ở việc liệt kê mà còn có các lựa chọn, sắp xếp và phân chia mức độ của từng năng lực, tương ứng với từng vị trí, cấp độ nhân viên khác nhau. Việc phân chia các nhóm năng lực lại chỉ mang tính chất tương đối vì các năng lực có sự giao thoa với nhau trong khung năng lực. Ví dụ, năng lực giao tiếp thường được xếp vào năng lực cốt lõi, nhưng đồng thời đây cũng là năng lực chuyên môn đối với vị trí nhân viên bán hàng.
 
Một số năng lực cần có ở người lãnh đạo mà các doanh nghiệp thường đề ra như năng lực giải quyết vấn đề và ra quyết định, quản lý rủi ro, xây dựng tín nhiệm, tạo ảnh hưởng… Bên cạnh đó, năng lực tổ chức, hoạch định, lên kế hoạch sẽ được yêu cầu ở mức độ cao hơn trong khung năng lực lãnh đạo. Để có thể lãnh đạo tốt, bên cạnh những năng lực quản lý người lãnh đạo còn cần có những năng lực gắn kết và phát triển đội nhóm, xây dựng và duy trì các mối quan hệ hiệu quả. Về thái độ thì tôn trọng sự đa dạng và khác biệt là một trong những thái độ quan trọng cần lưu ý khi xây dựng khung năng lực lãnh đạo. Đây là thái độ chính yếu giúp người lãnh đạo có thể phát hiện ra những hạt giống tốt trong đội ngũ của mình và từ đó rèn giũa để giúp nhân viên phát triển.
 
Chính nhờ việc xây dựng khung năng lực lãnh đạo như vậy, các năng lực mới được lựa chọn, sắp xếp tập trung vào khả năng lãnh đạo và dẫn dắt đội ngũ, phát triển nguồn nhân lực. Khi nhìn vào khung năng lực lãnh đạo, người đảm nhiệm vai trò này sẽ biết bản thân mình đã làm tốt điều gì, cần học hỏi thêm điều gì để quản trị nguồn nhân sự hiệu quả.

 

“Lãnh đạo không chỉ là người quản lý tốt bản thân mà còn phải có năng lực để quản lý tốt người khác.”

Khung năng lực lãnh đạo - lãnh đạo không chỉ bằng quyền lực

Trong quan niệm cũ, người lãnh đạo luôn là người có quyền uy khiến nhân viên sợ hãi, không bao giờ dám trái lệnh. Cho đến nay, quan niệm này vẫn còn ảnh hưởng và tạo nên phong cách lãnh đạo bằng quyền lực. Việc khiến nhân viên sợ hãi, không dám trái lệnh có thể giúp người lãnh đạo quản lý được nhân viên của mình nhưng chắc chắn không thể giúp nhân viên của mình phát triển. Vì lãnh đạo bằng quyền lực dễ gây ra bất mãn và hạn chế sự phát triển của nhân viên nên xu hướng này không phải là con đường mà những nhà lãnh đạo thành công theo đuổi. 

Nguyên nhân của việc lãnh đạo bằng quyền lực xuất phát từ nhiều lý do, nhưng một trong số đó là vì người lãnh đạo không biết rõ mình cần có những năng lực gì để có thể quản lý và phát triển đội ngũ hiệu quả. Không xác định được những năng lực cần thiết không chỉ khiến doanh nghiệp chọn sai người mà còn đẩy chính đương sự vào con đường dùng quyền lực áp chế để hoàn thành công việc. Do vậy, khung năng lực lãnh đạo dường như trở thành “tấm gương soi” của mỗi nhà lãnh đạo. Khi soi mình vào tấm gương đó, người lãnh đạo sẽ hiểu rõ năng lực nào dùng để làm gì và có ý nghĩa ra sao trong công việc của mình. 
 
Trên một phương diện khác, khung năng lực lãnh đạo không chỉ là cơ sở đánh giá của doanh nghiệp để tuyển dụng và bổ nhiệm, không chỉ là “tấm gương soi” để đương sự tự đánh giá mình mà còn là cơ sở để nhân viên tin tưởng vào sự dẫn dắt của lãnh đạo. Nhân viên không phải là người chỉ biết phục tùng. Họ cũng có chính kiến và khát khao được đi theo học hỏi một người quản lý tốt, có năng lực, có tầm nhìn. Thực lực của lãnh đạo tương ứng với khung năng lực lãnh đạo là lời khẳng định tốt nhất để nhân viên tự nguyện tuân theo và hợp tác trong quá trình làm việc.

“Khung năng lực lãnh đạo - lãnh đạo bằng tâm phục khẩu phục.”

Khung năng lực lãnh đạo - nền tảng để trở thành người lãnh đạo thành công

Trên bậc thang 6 cấp độ lãnh đạo, lãnh đạo bằng chức vụ, quyền hành là cấp độ thấp nhất. Khi lãnh đạo bằng quyền lực, chức vụ, nhân viên sẽ làm việc một cách ép buộc, không nhiệt tình năng nổ và dễ đổ lỗi cho người khác, đùn đẩy trách nhiệm vì sợ sếp. Cấp độ thứ hai là lãnh đạo bằng mối quan hệ và tình cảm. Ngược với việc áp chế bằng quyền lực ở cấp độ 1, lãnh đạo ở cấp độ 2 sẽ dùng sự thân thiện thay cho sự uy tín có để quản lý và dẫn dắt đội ngũ. Với cách lãnh đạo này, nhân viên sẽ có cảm hứng làm việc và nhiệt tình hợp tác với người quản lý của mình bởi vì họ “thích” bạn. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo ở cấp độ này trong thời gian dài sẽ dễ khiến nhân viên rơi vào tình trạng chia bè kết phái. 
 
Cấp độ thứ 3 là lãnh đạo bằng năng suất, hiệu quả. Ở cấp độ này, nhân viên đi theo người lãnh đạo vì nhìn thấy những gì lãnh đạo đã làm và có thể làm cho doanh nghiệp. Người lãnh đạo sẽ chỉ rõ cho nhân viên biết trách nhiệm, quyền lợi, mục tiêu và kết quả công việc cụ thể họ cần làm. Nếu như ở cấp độ thứ 3, nhân viên đi theo bạn vì những gì bạn làm cho doanh nghiệp thì ở cấp độ thứ 4 - lãnh đạo bằng phát triển năng lực đội ngũ, nhân viên sẽ đi theo bạn vì những gì bạn có thể làm cho họ. Người lãnh đạo sẽ chủ động ủy nhiệm và phân quyền cho nhân sự, đồng hành và đào tạo để nhân sự nâng cao năng lực, lên kế hoạch để nhân viên có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Lãnh đạo bằng cách này tạo nền tảng về nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phát triển lâu dài. 
 
Cấp độ thứ 5 là lãnh đạo bằng tấm gương hình mẫu. Ở cấp độ này, người lãnh đạo sẽ dẫn dắt nhân viên bằng uy tín, phẩm chất và con người của chính mình. Nhân viên tin tưởng vào sự quản lý và dẫn dắt của lãnh đạo. Đây cũng chính là cấp độ mà khung năng lực lãnh đạo thể hiện rõ ràng nhất. Để là một người lãnh đạo tốt, bạn cần đáp ứng những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ như thế nào - khung năng lực lãnh đạo đã giúp bạn trả lời câu hỏi đó. Lãnh đạo bằng tấm gương hình mẫu sẽ giúp nhân viên có trách nhiệm, các giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp được thể hiện một cách rõ ràng từ quản lý đến nhân viên. Đến được cấp độ này, bạn đã là một nhà lãnh đạo giỏi giang và có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển con người và tổ chức. Cấp độ thứ 6 cũng là cấp độ cuối cùng - lãnh đạo bằng hệ thống cốt lõi và cải tiến không ngừng. Với cấp độ này, khung năng lực lãnh đạo hỗ trợ bằng cách đánh giá mức độ năng lực trong khung năng lực có đủ để đáp ứng những yêu cầu ở cấp độ này không. 
 
Tuy không trực tiếp tham gia vào từng cấp độ lãnh đạo, nhưng khung năng lực lãnh đạo lại là công cụ hỗ trợ đánh giá khả năng đảm nhận vị trí lãnh đạo của một nhân sự, xác định những năng lực phải học hỏi và phát huy để nhân sự từng bước trở thành nhà lãnh đạo thành công. Nhờ vậy, khi đảm nhận vị trí lãnh đạo, nhà lãnh đạo mới không bị mất phương hướng và tiếp tục phát triển bản thân. Chính sự phát triển bản thân của nhà lãnh đạo sẽ ảnh hưởng và quyết định đến sự phát triển và chất lượng của đội ngũ.

 

“Khung năng lực lãnh đạo là công cụ hỗ trợ đánh giá khả năng đảm nhận vị trí lãnh đạo của một nhân sự, xác định những năng lực phải học hỏi và phát huy để nhân sự từng bước trở thành nhà lãnh đạo thành công.”

Không phải bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo tài ba. Khung năng lực lãnh đạo là cơ sở đánh giá bước đầu một nhân sự có nền tảng để trở thành một nhà lãnh đạo hay không. Tuy nhiên, khung năng lực lãnh đạo chỉ là nền tảng để đánh giá, điều quan trọng là nhà lãnh đạo có thực sự học hỏi và nỗ lực không ngừng để trở thành người lãnh đạo thành công hay không. 

Với sứ mệnh đồng hành cùng các nhà lãnh đạo xây dựng một tổ chức trường tồn, TOPPION ứng dụng các công nghệ huấn luyện và tư vấn triển khai đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp xây dựng hiệu quả khung năng lực nói chung và khung năng lực lãnh đạo nói riêng. Để hiểu chi tiết về phương pháp tiếp cận xây dựng khung năng lực của TOPPION, mời bạn ấn vào link bài viết https://toppion.com.vn/so-tay-lanh-dao/phuong-phap-tiep-can-xay-dung-nang-luc-cua-toppion.html, hoặc liên hệ trực tiếp với bộ phận tư vấn để được giải đáp!

Chia sẻ bài viết

Bài viết khác

​6 TƯ DUY LÃNH ĐẠO CẦN THAY ĐỔI

Tư duy lãnh đạo là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một tổ chức. Bởi tư duy lãnh đạo chuẩn mực, đúng đắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của...

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VINAMILK

Năm2015 TOPPION vinh dự có cơ hội đồng hành cùng VINAMILK trong dự án xây dựng văn hóa, triển khai áp dụng hệ thống BSC/KPI và huấn luyện Leader Mindset. Tư vấn...

​VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VINGROUP

TOPPION có cơ hội được làm việc cùng các đơn vị thành viên của Vingroup trong 2019 và đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo, môi trường văn hóa của Vingroup. Thành...

CHUYÊN GIA TÁI CẤU TRÚC DOANH NGHIỆP

Tái cấu trúc doanh nghiệp là một thuật ngữ phổ biến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam trong 20 năm trở lại đây, nhưng thật sự để hiểu tái cấu...

TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA BSC/KPIs - CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP RỘNG MỞ, TẠI SAO KHÔNG?

TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA BSC/KPIs - CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP RỘNG MỞ - TẠI SAO KHÔNG? Những năm gần đây, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm...

DISC LÀ GÌ VÀ ỨNG DỤNG THẾ NÀO ĐỂ BÁN HÀNG HIỆU QUẢ

DISC – một phương pháp phân tích hành vi hiện nay được ứng dụng rộng rãi trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh, DISC...