HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC VÀ NHỮNG CÂU HỎI BUỘC PHẢI TRẢ LỜI

HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC VÀ NHỮNG CÂU HỎI BUỘC PHẢI TRẢ LỜI
 
Hoạch định chiến lược có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển và giữ thế chủ động cho doanh nghiệp. Dù có quy trình rõ ràng, rất nhiều doanh nghiệp vẫn phải loay hoay với hoạch định chiến lược. Làm sao để công tác hoạch định diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả? Người làm chiến lược trước hết phải trả lời được những câu hỏi dưới đây.


Hoạch định chiến lược là gì?

Hoạch định chiến lược là tiến trình xác định và lựa chọn mục tiêu cho doanh nghiệp và vạch ra những hành động cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra. Đây là công việc của nhà quản trị. Công việc này đòi hỏi sự quan sát, khảo sát và đánh giá sắc sảo cả về thị trường lẫn nội lực của doanh nghiệp. Thông qua những dữ liệu doanh nghiệp có, nhà quản trị sẽ thiết lập mục tiêu và phương hướng để hoàn thành cách tốt nhất.
Đặc điểm nổi bật của hoạch định chiến lược là tính hệ thống và ổn định. Phạm vi của chiến lược thường phủ rộng trên toàn doanh nghiệp với chiến lược cấp công ty hoặc ảnh hưởng lên một phòng ban với chiến lược cấp đơn vị kinh doanh hoặc chiến lược cấp chức năng. Những mục tiêu và công việc được đề ra khi hoạch định chiến lược sẽ có sức ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của hệ thống. Khác với chiến thuật, chiến lược phải là những mục tiêu dài hạn, thường kéo dài từ 3 đến 5 năm để giải quyết những vấn đề phức tạp và vĩ mô của hệ thống nên có tính ổn định. Tuy nhiên, cần phân biệt tính ổn định với sự cứng nhắc, bảo thủ. Tính ổn định của chiến lược không mâu thuẫn với sự linh hoạt giúp doanh nghiệp thích ứng với những biến chuyển nhanh chóng của thị trường.
Hoạch định chiến lược cần tầm nhìn xa và nhìn sâu của người quản trị để xây dựng được chiến lược bao quát. Nhìn xa để thấy được những mục tiêu dài hạn cần hoàn thành, nhìn sâu để nhận ra đâu là nền tảng cần có để doanh nghiệp đạt được mục tiêu vươn xa trong tương lai. Bao quát là sự cân bằng giữa hoài bão và thực tế những công việc ngắn hạn mang tính quyết định.
Yếu tố quan trọng trong hoạch định chiến lược đó là sự lựa chọn. Giữa vô vàn con đường, vô vàn hướng đi doanh nghiệp phải lựa chọn con đường hiệu quả nhất, phù hợp nhất với doanh nghiệp. Con đường đó không đột nhiên xuất hiện mà phải được người lãnh đạo tìm ra. Ngay cả khi con đường đã hiển lộ, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đứng trước sự lựa chọn phân bổ nguồn lực của doanh nghiệp sao cho hiệu quả. Để đưa ra sự lựa chọn chính xác, ngoài những yếu tố đánh giá và công cụ hỗ trợ quản trị chiến lược mà doanh nghiệp có, kinh nghiệm và sự nhạy bén của người lãnh đạo cũng vô cùng cần thiết.

“Hoạch định chiến lược là tiến trình xác định và lựa chọn mục tiêu cho doanh nghiệp và vạch ra những hành động cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra."

Bức tranh tầm nhìn của doanh nghiệp là gì?

Câu hỏi đầu tiên mà doanh nghiệp phải trả lời khi hoạch định chiến lược đó là bức tranh tầm nhìn. Từ 3 đến 5 năm nữa, doanh nghiệp sẽ đứng ở vị trí nào? Có tầm ảnh hưởng ra sao? Bức tranh tầm nhìn của doanh nghiệp như một ánh sao rọi đường. Thiếu đi ánh sao này, doanh nghiệp sẽ đi mà không biết mình đi đâu, sẽ làm mà không biết mình làm để làm gì. Bức tranh tầm nhìn này sẽ có cả tương đồng và khác biệt với tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp khi thành lập.
Tầm nhìn của doanh nghiệp khi hoạch định chiến lược thường gắn với thời gian từ 3 đến 5 năm và mang đậm yếu tố thời đại. Để phân biệt, chúng ta có thể gọi nó là tầm nhìn chiến lược. Còn tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp sẽ đi cùng doanh nghiệp trong suốt tiến trình tồn vong. Vậy nên, tầm nhìn của doanh nghiệp sẽ bao quát tầm nhìn chiến lược.
Tầm nhìn chiến lược là mục tiêu rõ ràng, dài hạn và thể hiện mong ước chung của doanh nghiệp trong một giai đoạn cụ thể. Không thể trả lời được câu hỏi về bức tranh tầm nhìn đồng nghĩa với việc không thể xác định được mục tiêu chiến lược khi hoạch định chiến lược.

“Tầm nhìn chiến lược là mục tiêu rõ ràng, dài hạn và thể hiện mong ước chung của doanh nghiệp trong một giai đoạn cụ thể."

Đối thủ của doanh nghiệp là ai?

Ngay sau khi xác định được mục tiêu chiến lược, trả lời được câu hỏi về bức tranh tầm nhìn mà doanh nghiệp muốn sau 3 đến 5 năm thì việc tiếp theo doanh nghiệp cần làm khi hoạch định chiến lược là xác định đối thủ của mình. Đối thủ của doanh nghiệp phải là những công ty có cùng dòng sản phẩm, cùng phân khúc thị trường đang cạnh tranh với doanh nghiệp. Đối thủ ấy phải là một hoặc một vài doanh nghiệp cụ thể bởi chỉ khi xác định được chính xác đối thủ, doanh nghiệp mới có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu của chính mình và đối thủ để đưa ra chiến lược phù hợp.
Đây là câu hỏi rất nhiều doanh nghiệp bỏ qua khi hoạch định chiến lược. Nếu ví doanh nghiệp là một chiếc xe thì cung đường là phân khúc thị trường, dòng sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh còn trạm xăng là mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn. Các doanh nghiệp dường như quên mất rằng trên con đường đó không chỉ có duy nhất một chiếc xe. Nếu không phân tích và hiểu các chiếc xe khác, doanh nghiệp sẽ không thể đến trạm xăng trong thời gian ngắn nhất.

"Đối thủ của doanh nghiệp phải là những công ty có cùng dòng sản phẩm, cùng phân khúc thị trường đang cạnh tranh với doanh nghiệp."

Đâu là yếu tố thành công ngành?

Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng khi hoạch định chiến lược. Thiếu đi yếu tố này, chiến lược có thể thành công mà doanh nghiệp vẫn thất bại. Yếu tố thành công ngành là những đặc điểm, yêu cầu mà nếu doanh nghiệp có thể đáp ứng thì doanh nghiệp sẽ thành công trong ngành. Mỗi ngành sẽ có yếu tố thành công ngành khác nhau. Ví dụ, khi nói đến ngành công nghệ sản xuất điện tử, thì yếu tố đầu tiên là chất lượng, thứ hai là hệ thống phân phối, thứ ba là hậu mãi, thứ tư là thương hiệu và thứ năm là chuỗi cung ứng. Đáp ứng được càng nhiều yếu tố này thì tỉ lệ thành công của doanh nghiệp trong ngành càng cao.
Không chỉ khác nhau giữa các ngành, yếu tố thành công ngành còn thay đổi qua từng thời kỳ. Đó là lý do khi hoạch định chiến lược doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi, yếu tố thành công ngành hiện tại là gì? Nếu không tìm ra yếu tố thành công ngành, việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp sẽ mất đi ý nghĩa vì lợi thế doanh nghiệp sở hữu có thể không phải là yếu tố thành công của ngành.

"Yếu tố thành công ngành là những đặc điểm, yêu cầu mà nếu doanh nghiệp có thể đáp ứng thì doanh nghiệp sẽ thành công trong ngành."

Đâu là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp?

Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là tập hợp những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn lực… tạo nên điểm khác biệt giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, và để có thể bắt chước thì doanh nghiệp khác cần rất nhiều thời gian. Để xác định lợi thế cạnh tranh khi hoạch định chiến lược, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải tìm ra yếu tố thành công ngành. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi gắn liền với yếu tố thành công ngành mới thực sự có ý nghĩa.
Ngoài yếu tố thành công ngành, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp còn được phân tích dựa trên điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp với đối thủ. Cần lưu ý, điểm mạnh của doanh nghiệp phải là điểm yếu của đối thủ và ngược lại, điểm mạnh của đối thủ chính là điểm yếu của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp thường không có quá nhiều lợi thế cạnh tranh do nó bị giới hạn bởi các yếu tố thành công ngành. Khi đã phân tích được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cũng chỉ nên lựa chọn 1 hoặc 2 lợi thế cạnh tranh để hoạch định chiến lược nhằm đảm bảo tính tập trung và hiệu quả.

"Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là tập hợp những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn lực… tạo nên điểm khác biệt giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, và để có thể bắt chước thì doanh nghiệp khác cần rất nhiều thời gian."

Những câu hỏi trên tưởng chừng không liên quan đến các bước hoạch định chiến lược nhưng kỳ thực, đó chính là mấu chốt mà lãnh đạo cần lưu tâm trong quá trình hoạch định. Nếu chỉ thực hiện các bước hoạch định một cách máy móc mà không hiểu bản chất và những yếu tố quan trọng tác động đến việc hoạch định chiến lược thì chắc chắn việc hoạch định chiến lược sẽ thất bại.
 
Chia sẻ bài viết
Các bài viết liên quan: hoachdinhchienluoc, lanhdao

Bài viết khác

​6 TƯ DUY LÃNH ĐẠO CẦN THAY ĐỔI

Tư duy lãnh đạo là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một tổ chức. Bởi tư duy lãnh đạo chuẩn mực, đúng đắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của...

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VINAMILK

Năm2015 TOPPION vinh dự có cơ hội đồng hành cùng VINAMILK trong dự án xây dựng văn hóa, triển khai áp dụng hệ thống BSC/KPI và huấn luyện Leader Mindset. Tư vấn...

​VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VINGROUP

TOPPION có cơ hội được làm việc cùng các đơn vị thành viên của Vingroup trong 2019 và đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo, môi trường văn hóa của Vingroup. Thành...

CHUYÊN GIA TÁI CẤU TRÚC DOANH NGHIỆP

Tái cấu trúc doanh nghiệp là một thuật ngữ phổ biến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam trong 20 năm trở lại đây, nhưng thật sự để hiểu tái cấu...

TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA BSC/KPIs - CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP RỘNG MỞ, TẠI SAO KHÔNG?

TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA BSC/KPIs - CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP RỘNG MỞ - TẠI SAO KHÔNG? Những năm gần đây, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm...

DISC LÀ GÌ VÀ ỨNG DỤNG THẾ NÀO ĐỂ BÁN HÀNG HIỆU QUẢ

DISC – một phương pháp phân tích hành vi hiện nay được ứng dụng rộng rãi trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh, DISC...