5 ĐIỂM LƯU Ý KHI XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC THƯƠNG HIỆU

Xây dựng chiến lược thương hiệu là một trong những con đường làm thay đổi diện mạo của nhiều doanh nghiệp, ngành nghề. Cụ thể, trước những năm 90, người tiêu dùng tại Việt Nam đã khá quen thuộc với những hãng bột giặt trong nước như Daso, Net, Đức Giang thế nhưng hiện tại, đến 90% thị phần bột giặt tại Việt Nam thuộc về Tide và Omo. Hàng hóa Việt Nam dường như đang lép vế hẳn trước cuộc cạnh tranh về thương hiệu so với nước ngoài ngay tại chính “địa bàn” của mình. Vấn đề này xuất phát từ việc các doanh nghiệp chưa coi trọng và có phương pháp hiệu quả trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu như một chiến lược lâu dài. Vậy như thế nào là phương pháp xây dựng chiến lược thương hiệu hiệu quả?
 

1. Xây dựng chiến lược thương hiệu - “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”

Chiến lược thương hiệu có thể hiểu là phát triển thương hiệu một cách có hệ thống dựa trên nguồn lực của doanh nghiệp nhằm giành lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời có thể duy trì cũng như nâng cao vị thế thương hiệu trước những thay đổi của thị trường. Xây dựng chiến lược thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những định hướng đúng đắn trong việc khẳng định vị thế và phát triển thương hiệu, tạo nên thương hiệu khác biệt, từ đó tạo dựng niềm tin và ghi dấu ấn với khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh. 
 
Để có thể xây dựng chiến lược thương hiệu phù hợp, trước hết doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu và khảo sát chiến lược thương hiệu của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Binh pháp Tôn Tử có viết: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, đặc biệt là trong cuộc chiến về thương hiệu. Nếu không có sự hiểu biết về đối thủ, chúng ta khó có thể tạo nên sự khác biệt khi xây dựng thương hiệu cho chính mình. Đó mới chỉ là “biết người”. 
 
“Biết mình” là hiểu được thế mạnh của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình ra sao, khả năng của đội ngũ mình như thế nào, đâu là ngách thị trường cụ thể mà doanh nghiệp hướng tới. Khi xây dựng chiến lược thương hiệu, doanh nghiệp không nên trải rộng phạm vi khách hàng cũng như lĩnh vực của mình. Trên thị trường có hàng ngàn công ty, có hàng triệu khách hàng, doanh nghiệp không thể phục vụ tất cả mọi người. Hãy chỉ tập trung vào những nhóm khách hàng tiềm năng có nhu cầu cao với sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp bạn cung cấp. Nhóm khách hàng ấy thuộc độ tuổi, giới tính nào, có thói quen tiêu dùng và chi trả ra sao, nhu cầu và kỳ vọng của họ đối với sản phẩm của bạn là gì? Có như vậy khi xây dựng thương hiệu bạn mới “đánh trúng” tâm lý khách hàng và ghi dấu ấn với họ. 


“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” - Binh pháp Tôn Tử

2. Xây dựng chiến lược thương hiệu không chỉ là câu chuyện của chi phí

Một số doanh nghiệp cho rằng cứ chi ngân sách lớn cho việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu độc đáo, ấn tượng là đã xây dựng thương hiệu thành công. Nhưng thương hiệu không chỉ là câu chuyện của chi phí mà, còn là câu chuyện của giá trị. Howard Schultz - cựu chủ tịch và giám đốc điều hành của Starbuck từng nói: “Nếu khách hàng biết rằng họ đang cùng với công ty bạn lan toả nhiều giá trị tốt đẹp, thì tự khắc họ sẽ gắn bó trung thành với thương hiệu của bạn.” Nhưng làm sao doanh nghiệp có thể mang đến cho khách hàng trải nghiệm đồng giá trị khi doanh nghiệp còn không xác định được giá trị của chính mình? 
 
Không phải thiết kế một logo nổi bật, viết một slogan “giật gân” là tạo được thương hiệu mà thương hiệu cần phải đồng bộ và truyền tải được những giá trị mà doanh nghiệp đang theo đuổi. Do đó, trước khi xây dựng chiến lược thương hiệu, doanh nghiệp cần xác định rõ đâu là giá trị mà mình theo đuổi, xây dựng và củng cố những giá trị ấy. 
 
Ví dụ như giá trị cốt lõi mà công ty Vinamilk hướng đến là “biểu tượng niềm tin hàng đầu về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cho cuộc sống con người”. Họ tin rằng chất lượng và sự sáng tạo sẽ là hai người bạn đồng hành giúp công ty phát triển và giúp Vinamilk trở thành thương hiệu được yêu thích ở mọi khu vực, lãnh thổ. Chính nhờ việc xác định và không ngừng vun đắp giá trị này mà giờ đây, thương hiệu Vinamilk không chỉ phủ khắp lãnh thổ Việt Nam mà còn có mặt tại 43 quốc gia khác trên thế giới. 

 

“Trước khi mang lại giá trị cho khách hàng, bạn phải xây dựng và vun đắp cho giá trị của chính doanh nghiệp.”

3. Nhất quán là sức mạnh của thương hiệu

Trong xây dựng chiến lược thương hiệu có một nguyên tắc mà bạn không thể quên chính là sự nhất quán. Doanh nghiệp không thể thiết kế logo và slogan một đằng, nhưng lại ứng xử và có cung cách phục vụ khách hàng một nẻo. Thương hiệu là tất cả những gì khách hàng ấn tượng nơi doanh nghiệp, từ chất lượng, mẫu mã sản phẩm cho đến cách trang trí cửa hàng, văn phòng cũng như phong cách làm việc, chăm sóc khách hàng của nhân viên hay hoạt động thường nhật, thường niên của doanh nghiệp. 
 
Cách các doanh nghiệp thường làm để tạo ấn tượng và độ nhất quán khi xây dựng thương hiệu chính là tạo càng nhiều điểm chạm với khách hàng càng tốt. Làm sao khách hàng lại không nhớ đến bạn khi họ được tiếp xúc nhiều với thương hiệu của bạn bằng những trải nghiệm tốt? Một nhân viên mặc đồng phục có in logo của công ty luôn mỉm cười khi giải đáp những thắc mắc của khách hàng, một túi xách được thiết kế riêng và có in logo của công ty được tặng cho những khách hàng đến mua sản phẩm đều là những điểm chạm đơn giản nhưng rất hữu dụng giúp thương hiệu đi đến với người tiêu dùng. 
 
Một cách sâu sắc hơn, sự nhất quán giữa thương hiệu với tầm nhìn, giá trị cốt lõi, phong cách làm việc hay ứng xử của nhân viên, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đều được đặt trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố giúp doanh nghiệp thống nhất giữa tư duy với phong cách làm việc, tạo nên thương hiệu riêng cho mỗi doanh nghiệp. Do đó, khi tuyển dụng hay đào tạo nhân sự, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến sự hòa hợp văn hóa, để mỗi nhân viên trở thành “sứ giả” truyền thông cho thương hiệu. 

“Thương hiệu là tất cả những gì khách hàng ấn tượng nơi doanh nghiệp. Càng nhất quán, ấn tượng doanh nghiệp tạo cho khách hàng càng mạnh.”

4. Biến thương hiệu thành “chuyện kể” của doanh nghiệp 

Vì sao phần đông trong chúng ta đều thích những câu chuyện? Đó có thể là những câu chuyện được kể bằng hình ảnh như những bộ phim hay được kể bằng ngôn từ như những cuốn tiểu thuyết. Bởi, nó có thể truyền tải những thông điệp, giá trị một cách hấp dẫn và lôi cuốn. Ví như khi nói đến tình yêu - chủ đề muôn thuở và vô cùng quen thuộc của con người - nhưng vẫn có vô vàn tác phẩm thú vị truyền tải những khía cạnh khác nhau của vấn đề này bằng những hình thức khác nhau. Như vậy, vấn đề không chỉ nằm ở nội dung, điểm nhìn mà còn nằm ở cách thức truyền đạt. 
 
Tương tự, xây dựng chiến lược thương hiệu cũng vậy. Thương hiệu không phải là những thông điệp, giá trị mà bạn muốn khách hàng ghi nhớ khi nhắc đến doanh nghiệp của mình hay sao? Vậy cách hiệu quả nhất để truyền đạt và quảng bá thương hiệu chính là biến thương hiệu thành “chuyện kể”. Doanh nghiệp có thể gài cắm những vấn đề của khách hàng vào trong câu chuyện và cho thấy sản phẩm, dịch vụ của mình có thể giúp khách hàng giải quyết những vấn đề đó như thế nào. 
 
Khi biến thương hiệu thành câu chuyện như vậy, khách hàng có thể nhận nhìn thấy bóng dáng mình trong câu chuyện và dễ đồng cảm với thương hiệu hơn. Bên cạnh đó, một câu chuyện có tình tiết luôn dễ tạo ấn tượng và dễ “kể lại” hơn là những câu tuyên truyền sáo rỗng, hoa mỹ nói về chức năng hay giá trị của sản phẩm. Câu chuyện sẽ trở thành cầu nối để đưa thương hiệu từ doanh nghiệp đến với khách hàng, và từ khách hàng đến với khách hàng.

 

“Câu chuyện sẽ trở thành cầu nối để đưa thương hiệu từ doanh nghiệp đến khách hàng, và từ khách hàng đến khách hàng.”

5. Ứng dụng công nghệ số trong xây dựng chiến lược thương hiệu

 

Cách mạng 4.0 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu đã mở ra một phương thức mới trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Không gian ảo trở thành một trong những kênh tiếp thị có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của trận đại dịch Covid-19 vừa qua vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp biết cách ứng dụng công nghệ số vào trong quản trị và kinh doanh. Với đặc điểm là độ tiếp xúc cao và lan truyền nhanh, công nghệ số chính là “vũ khí tối tân” trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
 
Tuy nhiên, khi xây dựng chiến lược thương hiệu, hoặc doanh nghiệp quá mức đề cao ứng dụng mạng lưới truyền thông Internet của công nghệ số mà bỏ qua những phương thức xây dựng thương hiệu truyền thống, hoặc doanh nghiệp chưa ý thức được sức mạnh của truyền thông Internet trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu đều khiến việc triển khai chiến lược chưa được cân đối. 
 
Do tính phổ biến của Internet, tuy là “vũ khí tối tân” nhưng hiện nay bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận và ứng dụng. Vì vậy, điều quan trọng là cách thức các doanh nghiệp sử dụng “vũ khí” này sao cho hiệu quả và tạo được thương hiệu riêng. Vẫn trên nền tảng nhất quán là sức mạnh được chia sẻ ở trên, các doanh nghiệp có thể xây dựng website, chia sẻ những hình ảnh, hoạt động, kiến thức liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của công ty phù hợp với những giá trị mà công ty theo đuổi. 
 
Thực tế cho thấy, càng ngày khách hàng càng có xu hướng đặt hàng online, nhận hàng tại nhà. Như vậy, việc khách hàng tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp ngày càng hạn chế. Nếu không ứng dụng công nghệ số một cách thông minh, gây ấn tượng với khách hàng bằng website, hình ảnh hay cách chăm sóc khách hàng qua điện thoại, tin nhắn thì doanh nghiệp rất khó cạnh tranh được với những thương hiệu khác. 

 

“Với đặc điểm là độ tiếp xúc cao và lan truyền nhanh, công nghệ số chính là “vũ khí tối tân” trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.”

Thương hiệu là một phần giá trị của doanh nghiệp. Thậm chí, sau khi xây dựng được thương hiệu có độ nhận diện và cạnh tranh cao, điều doanh nghiệp kinh doanh chính là thương hiệu chứ không chỉ là sản phẩm. Tuy nhiên, để có được có thể xây dựng được thương hiệu mạnh như vậy thì doanh nghiệp cần phải chỉn chu và đầu tư ngay từ bước xây dựng chiến lược thương hiệu. Với “cẩm nang” mà chúng ta đã cùng khám phá, hy vọng mỗi doanh nghiệp sẽ có thể xây dựng và triển khai chiến lược thương hiệu thành công.

Chia sẻ bài viết

Bài viết khác

​6 TƯ DUY LÃNH ĐẠO CẦN THAY ĐỔI

Tư duy lãnh đạo là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một tổ chức. Bởi tư duy lãnh đạo chuẩn mực, đúng đắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của...

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VINAMILK

Năm2015 TOPPION vinh dự có cơ hội đồng hành cùng VINAMILK trong dự án xây dựng văn hóa, triển khai áp dụng hệ thống BSC/KPI và huấn luyện Leader Mindset. Tư vấn...

​VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VINGROUP

TOPPION có cơ hội được làm việc cùng các đơn vị thành viên của Vingroup trong 2019 và đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo, môi trường văn hóa của Vingroup. Thành...

CHUYÊN GIA TÁI CẤU TRÚC DOANH NGHIỆP

Tái cấu trúc doanh nghiệp là một thuật ngữ phổ biến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam trong 20 năm trở lại đây, nhưng thật sự để hiểu tái cấu...

TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA BSC/KPIs - CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP RỘNG MỞ, TẠI SAO KHÔNG?

TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA BSC/KPIs - CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP RỘNG MỞ - TẠI SAO KHÔNG? Những năm gần đây, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm...

DISC LÀ GÌ VÀ ỨNG DỤNG THẾ NÀO ĐỂ BÁN HÀNG HIỆU QUẢ

DISC – một phương pháp phân tích hành vi hiện nay được ứng dụng rộng rãi trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh, DISC...